Lỗ hổng trong bảo mật thông tin từ số điện thoại cá nhân
Chưa bao giờ vấn đề bảo mật thông tin của người tiêu dùng lại trở thành tâm điểm đáng chú ý thời gian gần đây.
Năm nay, Việt Nam hưởng ứng chủ đề của ngày tiêu dùng thế giới (15/3) bằng một khẩu hiệu: “Quyền được thông tin chính xác và bảo mật thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong thời đại kĩ thuật số”.
Tin nhắn rác chính là 1 phần hậu quả của việc thiếu bảo mật thông tin điện thoại của người tiêu dùng. Dù đã có những chế tài xử lý nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để tình trạng này xảy ra. Cuối cùng, người tiêu dùng vẫn là đối tượng chịu thiệt.
Trung bình một ngày, chị Mai Thuý Hồng, phố Đê La Thành, Hà Nội nhận được vài ba tin nhắn rác. Hầu hết những tin nhắn này là quảng cáo sản phẩm, có nội dung dễ gây hiểu lầm… và những tin nhắn này xuất phát từ nhiều số điện thoại lạ.
Chị Mai Thuý Hồng nói: “Lúc làm việc mà nhận được những những tin rác, tôi cảm thấy rất bực mình, mất thời gian, đôi khi phải thao tác xoá nó đi. Chẳng hạn, tin nhắn như 1 người thương tặng cho bạn 1 lời chúc 1 bài hát. Với những người như mình chẳng biết người thương là ai và tin nhắn đến từ số máy lạ”.
Thậm chí nhiều người còn mất tiền oan vì làm theo nội dung của tin nhắn rác. Chị Nguyễn Thị Hiền (Phố Láng Hạ - Hà Nội): “Có tin nhắn nói là tặng cho tôi 1 bài hát. Tôi không hiểu là ai nên nhắn lại. Tôi chỉ mất vài nghìn thôi nhưng cảm giác bị lừa, rất bực mình”.
Một trong những lý do mà cơ quan chức năng đưa ra đó là do bản thân mỗi người dùng điện thoại đã vô tình để lộ thông tin từ địa chỉ email hay số điện thoại của mình cho những đối tượng chúng ta không biết được mục đích họ cần thông tin của mình để làm gì.
Vô tình để lộ thông tin cá nhân cũng đồng nghĩa với việc số điện thoại, tên tuổi của bạn dễ dàng trở thành thứ hàng hoá để trao đổi mua bán một cách công khai.
Gõ cụm từ “danh sách khách hàng” công cụ tìm kiếm Google sẽ cho ra hàng ngàn kết quả và rất dễ dàng có thể mua được thông tin cá nhân của mọi đối tượng khách hàng chỉ cần gọi theo số điện thoại quảng cáo trên mạng.
Tuy nhiên, cách thức giao dịch mua bán hiện nay lại chủ yếu qua mạng, chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng, hiếm khi giao dịch trực tiếp nên dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý vi phạm.
Ông Đỗ Đình Rô, thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: “Các đối tượng mua bán mua bán thông tin cá nhân có lẽ cũng hình dung ra được mình mua bán là vi phạm pháp luật nên tránh lộ diện việc thực hiện các giao dịch”.
Điều này dễ hiểu vì sao mà cả năm qua mặc dù đã kiểm tra, xử lý 41 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin mạng viễn thông, Internet nhưng tình trạng tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, đánh cắp thông tin cá nhân của người khác vẫn cứ diễn ra 1 cách ngang nhiên…
VTV.vn