Sẽ có thẻ công dân điện tử
Những người bị tạm giữ, tạm giam; đang chấp hành án phạt tù; mắc bệnh tâm thần... cũng được làm thủ tục cấp CMND
Ngày 12-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) họp cho ý kiến về dự án Luật Căn cước công dân. Thay mặt Chính phủ, trình bày tờ trình dự án Luật Căn cước công dân, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho biết sẽ có một số thay đổi quan trọng trong việc cấp CMND cho công dân.
Theo đó, số CMND được quy định là số định danh cá nhân được xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, là dãy số tự nhiên gồm 12 số, được cấp cho mỗi công dân Việt Nam và không lặp lại ở người khác. Số định danh dùng để xác định dữ liệu về căn cước và dữ liệu khác về công dân. Trường hợp đổi, cấp lại thì số CMND vẫn giữ đúng theo số đã cấp lần đầu.
Điểm mới của dự luật là quy định thời hạn sử dụng của CMND tương thích với từng độ tuổi nhất định. Cụ thể, thời hạn sử dụng CMND kể từ ngày cấp là 10 năm đối với người từ 15 tuổi đến dưới 25 tuổi, 15 năm đối với người từ đủ 25 tuổi đến dưới 55 tuổi; người từ đủ 55 tuổi trở lên thì không xác định thời hạn.
Dự luật không hạn chế người làm thủ tục cấp CMND, kể cả bị tạm giữ, tạm giam; đang chấp hành án phạt tù; mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình. Trên CMND sẽ có bộ phận điện tử lưu trữ một số thông tin cơ bản về căn cước và thông tin khác từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của người được cấp để làm cơ sở tích hợp các thông tin cần thiết trên CMND theo hướng trong thời gian tới đây là thẻ công dân điện tử.
Cho rằng dự thảo Luật Căn cước công dân liên quan đến nhiều luật khác, thậm chí là “vênh” các quyền hiến định của công dân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị bảo đảm quyền riêng tư, bí mật gia đình... của công dân. Tán đồng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, ông Ksor Phước, kiến nghị dự luật phải quy định các hành vi bị cấm như “cấm tiết lộ bí mật đời sống riêng tư hợp pháp” của công dân và quy định cơ quan nào có thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin loại này.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai lưu ý dân số Việt Nam sẽ nhanh chóng đạt 100 triệu người, dẫn đến quy định số định danh 12 chữ số có thể cạn quỹ số trong tương lai gần. Bà Mai dẫn trường hợp Thái Lan hiện có 67 triệu dân nhưng số định danh công dân nước này là 13 chữ số.
Theo tờ trình của Chính phủ, trên CMND có thông tin về nơi thường trú của công dân và do đó về lâu dài, có thể nghiên cứu tiến tới dùng CMND thay cho sổ hộ khẩu. Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết nhiều ý kiến cho rằng tên gọi CMND không còn phù hợp và nên đổi thành thẻ căn cước công dân để phù hợp với thực tế cũng như tên gọi của luật.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Khi cấp số định danh với việc tích hợp các dữ liệu đầy đủ thì việc bỏ hộ khẩu là hợp lý để giảm bớt giấy tờ”.
Theo chương trình xây dựng pháp luật của QH, dự án Luật Căn cước công dân được QH cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5) và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2014).
“Sao lắm loại thẻ, giấy tờ thế?”
Ủng hộ về tên gọi thẻ căn cước công dân thay vì CMND, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng mỗi công dân sinh ra đều có số định danh, thẻ căn cước, kèm theo đó là các dữ liệu thống nhất. Trong khoảng một thời gian nhất định thì chỉ cần tiếp tục cập nhật các yếu tố mới về thông tin và nhận dạng để đến lúc có thể bỏ các giấy tờ không còn cần thiết như khai sinh, sổ hộ khẩu. “Đổi mới phải đồng bộ. Sao lắm loại thẻ, giấy tờ thế? Phải làm thế nào bỏ bớt để dân ít bị phiền phức và nhà nước quản lý tốt hơn” - Chủ tịch QH lưu ý.
Theo Nld.com.vn